"Cần học các tác giả, nhà xuất bản nước ngoài nhiều hơn, không thể đóng cửa bảo nhau mãi được" - lời Thứ trưởng. Tuy nhiên, dù thực hiện theo cách Việt hóa sách nước ngoài hay Anh hóa sách ngoại ngữ đã có của VN cho phù hợp thì theo Thứ trưởng Hiển đều cần có sự phối hợp giữa tác giả, nhà xuất bản nước ngoài với tác giả, nhà xuất bản trong nước.
SGK tiếng Anh thí điểm của Bộ GD-ĐT. (Ảnh: Văn Chung) |
Bộ tiêu chí này đã nhận được sự chia sẻ của 45 sở GD-ĐT, 5 trường ĐH trên cả nước và 3 NXB quốc tế.
Theo nhóm biên soạn: quy trình đưa ra bộ tiêu chí này do một đội ngũ chuyên gia trong toàn quốc được tập hợp vào tháng 2/2014 để xem xét lựa chọn một bộ giáo trình tiểu học trong số 4 giáo trình do các NXB gửi đến.
Phục vụ cho yêu cầu chọn SGK này, nhóm chuyên gia đã đưa ra 25 tiêu chí. Bộ tiêu chí này được gửi đến một số chuyên gia độc lập xin ý kiến. Vào tháng 6/2014, một nhóm chuyên gia khác xem xét bộ đánh giá với 25 tiêu chí và thống nhất ý kiến cần phát triển sâu hơn.
Ông Nguyễn Minh Trí, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho rằng, đây là xây dựng bộ tiêu chí cho toàn cấp học nên cần đơn giản hơn. Có thể rút xuống chỉ còn 4 tiêu chuẩn thay vì 8 tiêu chuẩn như đã nêu trong bộ tiêu chí.
Bà Phạm Thị Thuận, chuyên viên Sở GD-ĐT Sơn La cho rằng, bộ tiêu chí còn thiếu tiêu chí đánh giá năng lực của người học, yêu cầu tích hợp các kỹ năng giảng dạy của người dạy.
"Dạy ngoại ngữ không phải chỉ một kỹ năng mà còn phải cần nhiều kỹ năng trong giờ dạy..." - bà Thuận nói.
Theo GS.TS Hoàng Văn Vân, khoa Sau ĐH (ĐHQG Hà Nội) bên cạnh các ưu điểm thì các tiêu chí chưa rõ nghĩa, không phù hợp, các tiêu chí đánh giá các kĩ năng còn chung chung. Nên cụ thể hơn theo từng lớp, từng cấp. Mặt khác, sách phải có tính liên tục và tính kế tiếp qua các lớp, phát triển từ dễ đến khó...
Một tiết học với giáo viên người bản ngữ của HS Trường TH Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Văn Chung) |
"Dù người nước ngoài hay người trong nước biên soạn SGK cũng phải đảm bảo các tiêu chí của ta đó là: tính Việt Nam thể hiện qua việc tuân thủ các chương trình tiếng Anh tiểu học, THCS và THPT do Bộ GD-ĐT ban hành trong hai năm 2011 và 2012” - GS. Vân lưu ý.
Ngoài ra, nhiều đại biểu dự hội thảo cũng cho biết bộ tiêu chí còn phải để cập đến một vấn đề nữa đó là giá SGK phải rẻ, phù hợp với túi tiền của phụ huynh.
Thêm nữa, bộ tiêu chí này còn chưa có quyết định cuối cùng, trong khi bộ SGK tiếng Anh tiểu học được Bộ GD-ĐT ban hành đã đi vào thực tế. Vậy bộ SGK này của Bộ sẽ được đánh giá như thế nào?
Cô Vũ Thị Châu Sa, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đề xuất nhóm tác giả xây dựng bộ tiêu chí nên bổ sung thêm kết quả nghiên cứu, khảo sát, điều tra đánh giá SGK ngoại ngữ hiện đang sử dụng tại Việt Nam bởi đó là những thông tin cần thiết để đưa thêm vào bộ tiêu chí những đề mục đặc thù liên quan đến người học và điều kiện giảng dạy ngoại ngữ của nước ta.
*Theo Vietnamnet
No comments :
Post a Comment